CHỨC MỪNG TIẾN SĨ PHẠM THỊ YẾN VÀ NHÓM NGHIÊN CỨU ĐÃ BẢO VỆ THÀNH CÔNG ĐỀ TÀI CẤP CƠ SỞ NĂM 2024

Ngày 22/11/2023, tại Trường Đại học Quảng Bình, Tiến sĩ Phạm Thị Yến, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học – Mầm non, cùng nhóm nghiên cứu đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở với tên: “Nghiên cứu tổ chức hoạt động thực hành sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non năm 3, 4 theo tiếp cận năng lực”.
Thành viên nhóm nghiên cứu bao gồm:
1) Tiến sĩ Phạm Thị Yến (Chủ nhiệm đề tài),
2) Tiến sĩ Vương Kim Thành,
3) Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương,
4) Cử nhân Lê Thị Vân.
Đề tài đã đưa ra những kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thực hành sư phạm theo định hướng phát triển năng lực cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã công bố 02 bài báo trên Tạp chí Khoa học và Kỷ yếu Hội thảo Khoa học. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn một nhóm sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và đạt giải Ba.
Đề tài tập trung giải quyết các nội dung:
* Về mặt lý luận
Đề tài tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực, khái quát những kết quả đã đạt được từ các nghiên cứu này, đồng thời xác định rõ các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Trên cơ sở đó, đề tài xây dựng và phát triển cơ sở lý luận về hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên ngành Giáo dục mầm non theo hướng tiếp cận năng lực.
* Về mặt thực tiễn
Đề tài đã tiến hành khảo sát, đánh giá khách quan và toàn diện thực trạng hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực. Nghiên cứu chỉ ra các hạn chế và bất cập trong việc tổ chức hoạt động thực hành sư phạm cho sinh viên năm 3 và năm 4, đồng thời phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này.
Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất quy trình tổ chức hoạt động thực hành nghề cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực, đảm bảo tính khoa học và khả thi. Quy trình được đánh giá về tính cấp thiết và khả thi thông qua khảo sát, đồng thời được thử nghiệm thực tiễn. Kết quả phân tích từ quá trình thử nghiệm khẳng định tính đúng đắn và khả thi của quy trình đề xuất.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được Hội đồng đánh giá đề tài cấp cơ sở thông qua với 5/5 phiếu đồng ý, xếp loại tốt và đạt 9,0 điểm.
Một số hình ảnh bảo vệ đề tài của Tiến sĩ Phạm Thị Yến và nhóm nghiên cứu: