Nhóm sinh viên thực hiện:
1 Nguyễn Minh Hằng ĐH GDTH K65
2 Lê Hạ Vy
3 Nguyễn Thị Linh Giang
4 Dương Hà Linh ĐH GDTH K64
5 Đinh Thị Thùy Liên ĐH GDTH K63A
6 Nguyễn Ngọc Bảo Trâm ĐH GDMN K65
7 Trần Hồng Diệu
8 Võ Phan Quỳnh Như ĐH GDMN K64
9 Ngô Thị Hoài Ân
Lời đầu tiên, cho phép chúng em xin gửi đến quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn sinh viên lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!
Hòa chung với không khí hân hoan và phấn khởi, chào mừng kỉ niệm Ngày sách Việt Nam năm 2025. Đây là thời gian để chiêm nghiệm về sức mạnh của những cuốn sách, những tác phẩm không chỉ phản ánh văn hóa, lịch sử, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ mỗi người. Hôm nay, xin mời quý vị đại biểu cùng khám phá một tác phẩm ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm hành trình văn hóa đọc của chúng ta.
Tôi về đây với ngã ba Đồng Lộc
Nơi một thời của chảo lửa chiến tranh
Dâng nén hương lên tượng đài liệt sỹ
Xin nguyện cầu cho các chị các Anh.
Đồng Lộc ơi mười bông hoa Bất tử
Giữa bom thù trộn đất trời nắng gió
Giữa vùng trời đất không còn cây cỏ
Vẫn ngát hương nuôi huyết mạch giao thông.
Ngã ba Đồng Lộc, một điểm giao thoa không chỉ của các con đường mà còn là nơi ghi dấu những hi sinh lớn lao của các chiến sĩ, đặc biệt là mười cô gái anh hùng. Trong cuốn sách Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, tác giả đã tái hiện lại những câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh, tình yêu đất nước, và sức mạnh tinh thần của những người con gái đã ngã xuống trên mảnh đất này.
“Chuyện kể rằng em Cô gái mở đường.
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận.
Em đã lấy tình yêu Tổ Quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy những luồng bom”
Đó là những vần thơ hay nhất, đẹp nhất viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nay tác giả Hoài Lộc lần nữa muốn tái hiện hình ảnh bi tráng của các cô trong tác phẩm “Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” như tấu lên một khúc ca thiên thu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cuốn Sách được in ấn bởi Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2022, sách dày 41 trang, in trên khổ 19x 26 cm.
“Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” là câu chuyện có thực về mười cô gái thanh niên xung phong đã khắc ghi tên mình trên một chặng đường lịch sử của dân tộc.
Dưới ngòi bút chân thực, giản dị của tác giả, hình ảnh 10 cô gái hiện lên chân thực, xúc động với những bức chân dung mỗi người một nét riêng: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh. Đó là mười cô gái tuổi mới đôi mươi trong tay chỉ có cuốc xẻng chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, kiên cường ý chí “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ được tắc”.
Biết bao lời ca, biết bao tiếng thơ, tiếng lòng đã cất lên gửi tới hương linh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cùng những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Nơi đây cũng chứa đựng vô vàn những câu chuyện cảm động. Cũng từng là TNXP, Ông Vũ Trọng Kim chia sẻ: “Những áng văn thơ, những câu chuyện kể không bao giờ hết, không giấy mực nào tả hết được tinh thần đó. Chuyện về 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc thì rất nhiều, nhưng tôi ấn tượng nhất là bức thư của chị Võ Thị Tần, chị 24 tuổi là đội trưởng của tiểu đội 4 TNXP, chị đã từng viết thư về cho mẹ: “Mẹ ơi chúng con vui lắm. Ban đêm chúng nó thả pháo sáng, thắp đèn cho chúng con làm đường, ban ngày thì bom Mỹ nổ làm cho bao nhiêu cá chết cho chúng con đem về để cải thiện bữa ăn. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.
Rồi ngày định mệnh đến, chiều ngày 24/7/1968 có lệnh đặc biệt phải thông đường. Nhận được lệnh của Đại đội, các chị đã ra ngã ba với cuốc xẻng trên vai, chỉ có mấy chiếc hầm sơ sài che chở, mạng sống chỉ trông chờ vào sự may mắn. Các chị vừa làm, vừa cười, vừa nói, vừa ý ới gọi nhau. Bỗng một tốp máy bay phản lực khi vượt qua trọng điểm, đã bất ngờ thả một loạt bom, rơi đúng vào chỗ các chị ….1 phút trôi qua, rồi 5 phút… Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Día quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi mà quả bom vừa nổ, chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, một vài chiếc xẻng, cuốc văng ra nhưng không còn ai nghe thấy một tiếng người. Cả trận địa oà lên tiếng khóc nức nở. chính quả bom ác nghiệt ấy, đã cướp đi sinh mạng của mười cô gái thanh niên xung phong khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sau này khi nhớ lại khoảnh khắc đau thương ấy, nhà thơ Yến Thanh đã có những câu thơ nghẹn ngào, đầy cảm động về giây phút tìm kiếm thi thể đồng chí Hồ Thị Cúc:
Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quay quần đủ hết
Nhỏ – Xuân – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em (chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng.
Gọi em, gào em……………..khản cả cổ rồi!
Nơi các cô chiến đấu ngày đêm được mệnh danh là “Tọa độ chết” – Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh. Mảnh đất này, ngày 24/7/1968 một đã ôm vào lòng mười cô gái thuộc tiểu đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ đường 15A. Ngã ba Đồng Lộc là huyết mạch trên đường Trường Sơn, điểm giao của mọi cung đường từ Bắc vào Nam. Giặc điên cuồng trút bom cày xới từng thước đất nơi đây. Ở “Tọa độ chết”, đến viên sỏi cũng không còn nguyên vẹn, nhưng tiếng hát vẫn cất cao mang theo tình yêu với đất nước với quê hương.
Họ đã vĩnh viễn nằm lại mang theo cả tuổi thanh xuân của mình vào lòng đất mẹ. Sau này thi thể của các chị được chuyển về đồi Trọ Voi thuộc xã Đồng Lộc – Hà Tĩnh. Sự hi sinh anh dũng của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc là lời tố cáo mãnh liệt tội ác của chiến tranh, thức tỉnh trái tim yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên tọa độ chết năm xưa, thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc vì ngã ba này được xây nên từ máu và nước mắt. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ khác sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau. Hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc quật khởi vươn lên giữa mưa bom lửa đạn còn ghi đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Những trang sách của Hoài Lộc tất cả như sống lại, ông viết giản dị, chất phác, thật thà như con người ông nên từng trang viết khiến cho chúng ta có cảm giác: Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc vẫn còn đang sống, và sống mãi với chúng ta: “Các cô như còn đứng đó, chờ lấp hố bom; Đường thông xe các cô mới đi nằm”… Cuốn sách “Chuyện kể về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, thực sự là một cuốn sách rất hay và ý nghĩa. Em tin chắc rằng, mỗi khi đọc cuốn sách này chúng ta sẽ không cầm nổi những giọt nước mắt trước sự hy sinh đầy đau thương và cảm động của 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc. bởi đó không chỉ là lịch sử, mà là niềm tự hào dân tộc. Mỗi nhân vật trong sách, dù đã hy sinh, nhưng vẫn sống mãi trong trái tim của người dân Việt Nam, là biểu tượng của lòng kiên trung và tình yêu đất nước vô bờ. Chính vì vậy, đây là cuốn sách mà em cảm thấy rất tâm đắc, không chỉ vì giá trị lịch sử mà còn bởi sức mạnh tinh thần mà nó mang lại cho thế hệ hôm nay.
Rưng rưng lệ tôi dâng đóa hoa tươi
Nén hương trầm thắp lên từng ngôi mộ
Các O ơi! đã qua rồi bão tố
Đất nước thanh bình cây trái lại trổ bông.
Mười đóa hoa trinh nữ trắng trong
Đất Mẹ yêu thương đón các chị vào lòng
Mười tâm hồn là trường tồn vĩnh cửu
Sáng mãi muôn đời Tổ quốc ghi công.
Xin mời quý thầy cô và các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc”, như để thắp nén tâm nhang bày tỏ tình cảm tri ân sâu sắc của mình tới các chiến sĩ TNXP và lớp lớp cha anh đã đổ máu hy sinh cho nền tự do độc lập.
Bài giới thiệu về sách của Khoa GDTH-MN đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn quý thầy cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe.