Hội thảo Khoa học: “Chuyển đổi số trong đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay”.

Sáng ngày 10/11/2023, Trường Đại học Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Chuyển đổi số trong đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số đã tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Nhằm đánh giá thực trạng và trao đổi, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Trường Đại Quảng Bình tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Tham dự có đại diện các sở, ngành trong tỉnh; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo đã tập hợp 32 báo cáo khoa học tập trung vào những nội dung quan trọng liên quan đến công tác chuyển đổi số trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo khoa học tập trung vào những nội dung quan trọng liên quan đến công tác chuyển đổi số trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp như: Các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh du lịch tại tỉnh Quảng Bình; tương tác xã hội trong đào tạo trực tuyến; tiếp cận thành công hệ sinh thái giáo dục; phát triển chương trình đào tạo ngành giáo dục mầm non theo tiêu chuẩn chất lượng của AUN-QA; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy của giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phát triển năng lực nghiệp vụ cho sinh viên sư phạm toán bằng phương pháp sử dụng video; nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý dữ liệu minh chứng phục vụ công tác kiểm định chất lượng giáo dục; một số giải pháp chuyển đổi số cho thư viện các trường đại học địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá chất lượng chương trình đại học tại Trường Đại học Quảng Bình…

Tại hội thảo, bài nghiên cứu của nhóm tác giả TS Phạm Thị Yến, ThS Nguyễn Thị Phương, ThS Trần Thị Thúy Nga đến từ Khoa Sư phạm về vấn đề Phát triển chương trình đào tạo ngành giáo dục mầm non theo tiêu chuẩn chất lượng của AUN-QA được trình bày báo cáo. Nội dung báo cáo tập trung đã giới thiệu khái quát về AUN – QA, ý nghĩa, các nguyên tắc và các bước phát triển chương trình đào tạo ngành Giáo dục mầm non theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu chia sẻ, thảo luận, làm rõ hơn về cách thức, phương pháp, nội dung của việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để các trường học nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn công tác.

Một số hình ảnh tại hội thảo