TỔ CHỨC THỰC HÀNH THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC

Thực hành sư phạm một trong những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo ngành sư phạm nói chung và ngành Giáo dục mầm non nói riêng. Mục đích của nội dung này nhằm hình thành năng lực nghề cả về lý luận và thực hành. Tổ chức tốt thực hành sư phạm là cơ sở quan trọng để bổ sung, củng cố, khắc sâu và mở rộng những tri thức lý luận chuyên môn, nghiệp vụ đã được học trong trường sư phạm. Đồng thời, hình thành và trau dồi những kỹ năng sư phạm cho sinh viên, là cơ sở để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ, thích ứng nhanh trong môi trường công tác sau này. Để có kỹ năng sư phạm, sinh viên nhất thiết phải được luyện tập trong hoạt động thực tiễn, phải được trải nghiệm trong thực tế và hình thành kỹ năng sư phạm cho sinh viên sẽ được hoàn thiện khi họ tham gia thực hành sư phạm. Từ nguyên lí “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn liền với thực tiễn”, Bộ môn Giáo dục đặc thù đã xác định, tập trung hơn nữa vào việc đào tạo nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo đã đề ra. Xây dựng kế hoạch thực hành sư phạm theo hướng tăng thời lượng, cải tiến nội dung nhằm bảo đảm hiệu quả rèn luyện năng lực sư phạm cho sinh viên trong suốt quá trình đào tạo.

Nằm trong kế hoạch giảng dạy học phần Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên và kế hoạch tổ chức câu lạc bộ chuyên môn do Bộ môn Giáo dục đặc thù phụ trách, từ ngày 24/11/2023 đến ngày 28/12/2023, dưới sự hướng dẫn của giảng viên bộ môn, các lớp Đại học ngành Giáo dục mầm non khóa 62, 63, 64 và Cao đẳng Giáo dục mầm non khóa 63 đã tổ chức thành công các chuyên môn “Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ theo hướng trải nghiệm” và “Tổ chức các ngày lễ ngày hội cho trẻ ở trường mầm non”.

Đây là một trong chuỗi những hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên của sinh viên ngành Giáo dục mầm non được tổ chức thực hiện tại cơ sở đào tạo. Trước đó, trong các học phần phương pháp và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, các em đã được trang bị hệ thống các kiến thức cơ bản mục tiêu, nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt đông giáo dục cho trẻ ở trường mầm non, như: Xâu dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức tập giảng, xây dựng phiếu đánh giá, các kỹ năng tổ chức hoạt động theo chủ đề, xử lý tình huống sư phạm…

Trên tinh thần đổi mới, các hoạt động thực hành sư phạm cho sinh viên “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học…”. Nghĩa là phải thay đổi quan điểm, mục tiêu dạy học: từ chỗ chỉ quan tâm tới việc người học học được gì đến chỗ quan tâm tới việc người học làm được cái gì qua việc học. Các hoạt động thực hành sư phạm đã diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi và hào hứng với nhiều nội dung khác nhau, thu hút sự quan tâm, tham dự và theo dõi của đông đảo sinh viên trong khoa Sư phạm và trong toàn trường.

Những trải nghiệm từ hoạt động thực hành sư phạm cũng đồng thời giúp sinh viên nuôi dưỡng và gìn giữ ngọn lửa nghề giáo, tiếp thêm động lực để nâng cao hơn nữa ý thức trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân, tạo bước chạy đà thuận lợi trong quá trình chuẩn bị cho những đợt thực hành sư phạm sắp tới.

Một số hình ảnh thực tế:

Giờ tổ chức hoạt động tạo hình “Vẽ sáng tạo từ đôi bàn tay” của lớp Đại học Giáo dục mầm non khóa 62.

Giờ kể chuyện “Nhổ củ cải” của lớp Đại học Giáo dục mầm non khóa 62.

Giờ hoạt động âm nhạc “Sáng tác lời mới cho bài hát” của lớp Đại học Giáo dục mầm non khóa 63.

Giờ kể chuyện “Cáo, thỏ và giả trống” của lớp Cao đẳng Giáo dục mầm non khóa 63.

Tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ đến từ lớp Đại học Giáo dục mầm non khóa 64