CHỨC MỪNG THẠC SĨ TRẦN THỊ ÁNH TUYẾT VÀ NHÓM NGHIÊN CỨU ĐÃ BẢO VỆ THÀNH CÔNG ĐỀ TÀI CẤP CƠ SỞ NĂM 2023

Ngày 21/11/2023, tại Trường Đại học Quảng Bình, Thạc sĩ Trần Thị Ánh Tuyết giảng viên Khoa Sư phạm cùng với nhóm nghiên cứu đã bảo vệ thành công đề tài cấp cơ sở với tên đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn cho sinh viên trường Đại học Quảng Bình”. Đề tài với sự tham gia của nhóm nghiên cứu, gồm: 1) Thạc sĩ Trần Thị Ánh Tuyết, Khoa Sư phạm; 2) Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Hương, Phòng Thanh tra – Đảm bảo chất lượng giáo dục; 3) CN. Hoàng Phương Hảo, Bí thư liên chi đoàn Khoa Sư phạm; 4) CN. Hoàng Thị Nga, Phòng Tổ chức – Hành chính đã đưa ra những kết quả nghiên cứu có độ tin cậy cao.
Đề tài tập trung giải quyết các nội dung:
* Về nghiên cứu lý luận
– Tổng hợp, trình bày tổng quan tình hình vấn đề nghiên cứu trong nước và ngoài nước rất công phu, từ đó thu thập được nguồn tài liệu tham khảo, kế thừa những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy làm cơ sở lý luận vững chắc định hướng cho quá trình nghiên cứu đề tài.
– Xây dựng được khung lý luận của đề tài với các nội dung chính như: các khái niệm về sức khỏe, sức khỏe sinh sản, giáo dục sức khỏe sinh sản; tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn; đặc điểm sinh lý, tâm lý – xã hội lứa tuổi sinh viên; các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn của sinh viên Trường Đại học Quảng Bình… Trong từng nội dung, nhóm tác giả đều đưa ra được quan niệm và sự phát triển riêng của mình.
* Về nghiên cứu thực tiễn
Trên cơ sở khảo sát bài bản, cẩn thận một số lượng nghiệm thể đủ lớn, kết hợp với các phương pháp nghiên cứu khác, đề tài đã:
– Khái quát rõ nét về đối tượng nghiên cứu gồm có 50 cán bộ giảng viên và 300 sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 3 thuộc khoa Sư phạm và khoa Kinh tế – Du lịch Trường Đại học Quảng Bình.
– Làm rõ thực trạng nhận thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn của sinh viên Trường Đại học Quảng Bình.
– Làm rõ thực trạng các yếu tố ảnh hưởng nhận thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn của sinh viên Trường Đại học Quảng Bình.
Trong từng thực trạng, đề tài đều có bảng số liệu và biểu đồ để phân tích, từ đó có đánh giá chung và rút ra nguyên nhân của thực trạng.
* Về đề xuất giải pháp
Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực trạng, nhóm tác giả đã đề xuất 06 giải pháp giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn cho sinh viên Trường Đại học Quảng Bình: 1) Đưa nội dung sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn vào các học phần chính khóa; 2) Cung cấp kiến thức và phát huy tính tích cực của sinh viên trong nhận thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn; 3) Phối hợp giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn giữa nhà trường, gia đình và xã hội; 4) Phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn; 5) Chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên trong công tác giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn cho sinh viên; 6) Tổ chức các hình thức giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn cho sinh viên thông qua con đường ngoại khóa.
Trong từng giải pháp, nhóm tác giả đều làm rõ mục đích; ý nghĩa; nội dung và cách thực hiện; điều kiện thực hiện; chỉ rõ mối quan hệ biện chứng của các giải phảp trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn cho sinh viên.
Trong quá trình nghiên cứu nhóm tác giả đã công bố 01 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học công nghệ Trường Đại học Quảng Bình và các bài viết đăng tại các hội thảo có uy tín trong nước được xuất bản ấn phẩm khoa học, tham gia các diễn đàn về giáo dục và đào tạo.
Kết quả nghiên cứu của đề tài được các Nhà khoa học trong hội đồng đánh giá đề tài cấp cơ sở thông qua với 05/05 phiếu đồng ý và xếp loại tốt, với 9.3 điểm.
Một số hình ảnh bảo vệ đề tài của Thạc sĩ Trần Thị Ánh Tuyết và nhóm nghiên cứu: